Cử nhân thất nghiệp nhiều hơn lao động phổ thông

Thông tin thị trường mới nhất từ Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, trong hơn 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm ở thành phố có trên 27.800 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 36%.

Đây là nhóm lao động có tỷ lệ thất nghiệp đứng thứ 2 trong tổng số người nộp hồ sơ toàn thành phố. Tỷ lệ 36% này cao hơn mức 31,14% của năm 2022. 

Con số chung, trong 6 tháng qua, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở thành phố tăng 7% so với cùng kỳ, tương đương 5.000 người.

Các con số một lần nữa cho thấy bức tranh thực tế, do mất cân bằng trong cơ cấu nhân lực, nhiều sinh viên ra trường phải "giấu bằng" đi làm công nhân, chạy xe ôm, lao động giản đơn hoặc làm trái ngành trái nghề.

Thực trạng có thể quan sát thấy trên mạng xã hội khi la liệt những bài viết, video có nội dung: "Không biết làm gì, tôi chọn... đi học Thạc sĩ", "Chán công việc ở hiện tại, mình tiếp tục học lên", "Không có việc làm, mình làm... Thạc sĩ".

Tiếp tục học lên vì... bằng đại học chưa đủ để kiếm việc! - 1

45.543 lao động có trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 31,14% (Nguồn ảnh: Pexels).

Theo thống kê từ Đại học Quốc gia TPHCM, số lượng học viên đăng ký học đại học với hình thức vừa làm vừa học/đào tạo từ xa năm 2022 tăng khá nhiều so với 2021. So với năm 2019, tỷ lệ tăng lên đến 86,8%. 

Lượng học viên học lên cao học của khối trường này cũng tăng 21,9%, tính từ 2019 tới 2022.

Doanh nghiệp cần nhân viên "đa nhiệm"

Thiên Ngọc (21 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ, quá trình đi tìm việc làm, đọc bảng mô tả từ các tin tuyển dụng, cô gái nhận thấy mỗi vị trí đều yêu cầu phải biết vô vàn kĩ năng liên quan. 

Một người làm nội dung, viết bài cho các kênh truyền thông của doanh nghiệp thì cần kiêm luôn việc thiết kế web, dựng video, có nơi tuyển dụng vị trí này còn đòi hỏi nhân sự biết dẫn, lên hình. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm viết lách, Ngọc đã đăng kí thêm khóa học thiết kế ngắn hạn, hi vọng dễ tìm được việc làm hơn.

Linh Hồ (25 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội) cũng cho biết: "Tôi phải đi học thêm kỹ năng dẫn chương trình. Hiện tại, ở lĩnh vực truyền thông, dẫn chương trình là kỹ năng giúp bản thân mình thể hiện được năng lực nhiều hơn, giao tiếp tốt, dạn dĩ trước đám đông, dễ tạo được sự chú ý… Có những kỹ năng mềm, mức lương có thể nhỉnh hơn nhân sự làm cùng vị trí".

Tiếp tục học lên vì... bằng đại học chưa đủ để kiếm việc! - 2

Linh Hồ phải học nhiều kỹ năng để có thể làm việc ở lĩnh vực truyền thông (Ảnh: NVCC).

Minh Hiền (24 tuổi, ngụ tại TPHCM) tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng giữa thời đại dịch. Đứng trước khó khăn, áp lực khi tìm việc, Hiền cấp tốc đi học thêm khóa học nguyên lý thiết kế cơ bản và Concept Art (bộ môn minh họa ý tưởng cho các bối cảnh, hình tượng nhân vật) để mở rộng cơ hội việc làm. 

"Tôi học thêm các khóa học bên ngoài vì công việc đang làm hơi lệch so với ngành đạo tạo. Đây cũng là một trong những kiến thức thường phải va chạm, vì vậy khi có thêm kiến thức, tôi tin là sẽ có cơ hội tìm công việc với mức lương ổn định hơn", Hiền nói.

Tiếp tục học lên vì... bằng đại học chưa đủ để kiếm việc! - 3

Minh Hiền phải tham gia các khóa học ngắn hạn để tìm kiếm thu nhập tốt hơn từ công việc (Ảnh: NVCC).

Không kiếm được việc thì... tiếp tục đi học

Tốt nghiệp cử nhân Quan hệ công chúng năm 2020, Bích Loan (25 tuổi, ở TPHCM) chia sẻ, bản thân từng làm ở các vị trí như Content Marketing (tiếp thị nội dung), biên kịch... nhưng không nhận thấy đâu là công việc phù hợp.

Khi muốn thử sức với công việc ở lĩnh vực báo chí, các kĩ năng viết lách này lại không thể giúp cô có công việc tương xứng. Đây là một trong số những lí do chính khiến Loan học cao học. 

"Việc không thể trúng tuyển vào vị trí phóng viên, biên tập viên nào khiến tôi quyết định học lên cao. Ban đầu tôi nghĩ đơn giản, chỉ cần bản thân trở nên "đa nhiệm" thì không sợ thiếu việc làm. Tuy nhiên, thực tế, một nhân sự không thực sự giỏi và hiểu biết sâu thì sẽ rất khó cạnh tranh. Rõ ràng tình hình tuyển dụng hiện nay rất ngặt nghèo", Loan nói.

Tiếp tục học lên vì... bằng đại học chưa đủ để kiếm việc! - 4

Nhiều nhân viên văn phòng đăng ký học cao học sau thời gian không tìm được công việc như ý nguyện (Nguồn Pexels).

Linh Hồ cũng đồng tình và tiết lộ bản thân đang học lên cao học sau quá trình gặp khó khăn khi ra trường, bước vào thị trường lao động. 

Linh cho rằng học lên cao sẽ nâng cao "thương hiệu cá nhân". "Mặc dù học xong không biết có sử dụng được hay không, nhưng rõ ràng có thêm bằng Thạc sĩ vẫn tốt. Vì vậy tôi đã cố gắng trau dồi để nếu không còn phù hợp ở hoàn cảnh này thì vẫn có thể có cơ hội và phát triển ở bối cảnh khác", Linh nói.

 
Theo Loan Tô (Báo Dân Trí)