Ông Lưu Kim Hồng – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại.
Ông Lưu Kim Hồng – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại.

Chương trình đối thoại với chủ đề này nhằm trao đổi về thực trạng công tác BHXH tại các đơn vị và góp ý cho dự thảo Luật BHXH năm 2023. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp (DN) quan tâm nhiều đến quyền lợi của người lao động, đó là việc rút BHXH một lần, mức lương hưu,...

Bà Võ Thị Huỳnh Trâm - Giám đốc nhân sự Công ty Sinion Việt Nam cho hay, DN có hơn 4.000 công nhân nên rất quan tâm đến chế độ của người lao động. Theo bà Trâm, việc rút BHXH một lần là thực trạng khá nhức nhối tại DN hiện nay. Nhiều công nhân làm việc chưa được 20 năm đã nộp đơn xin nghỉ việc để nhận BHXH. Dù trước đó DN có gặp gỡ, tìm hiểu tư vấn nhưng họ nhất quyết muốn xin nghỉ việc để nhận BHXH một lần. Trong đó có không ít trường hợp bày tỏ mong muốn, sau khi nhận được BHXH một lần, nếu DN muốn tuyển dụng vị trí cũ thì sẽ làm đơn xin việc lại.

Bà Trương Thị Kiều Như - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Sankyo khẳng định: “Vấn đề nhiều người quan tâm nhất hiện nay là rút BHXH một lần, nghỉ hưu và lương hưu. Người lao động ai cũng mong muốn sau khi nghỉ hưu được đảm bảo cuộc sống, không cần dựa dẫm vào con cháu. Tuy nhiên, người lao động chưa thấy nhiều quyền lợi từ lương hưu, cho nên buộc phải rút BHXH một lần”.

Bà Như lý giải: “Tuổi hưu chưa tới, tuổi nghề đã hết. Người lao động từ sau 40 tuổi trở đi sẽ bị chủ DN để ý, luân chuyển công việc hoặc tự nghỉ việc rất nhiều. Không ít lao động từ 45 tuổi trở đi bị DN sa thải, trong khi tuổi hưu chưa tới. Vì vậy, để người lao động không rút BHXH thì nên xem xét cho họ hưởng những chế độ, phúc lợi cụ thể”.

Đồng quan điểm, ông Lưu Kim Hồng – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam bày tỏ, Luật Lao động tăng tuổi nghỉ hưu trong khi lao động hơn 40 tuổi đã bị sa thải thì ai thuê họ để tiếp tục làm việc và đóng BHXH chờ nghỉ hưu. Vì vậy vấn đề này cần phải thảo luận kỹ để có những giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Để có thể hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, đại diện các DN kiến nghị, mức lương hưu tối thiểu nên thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Ông Hồng nhấn mạnh, người lao động sẽ cân nhắc việc quyết định rút BHXH một lần nếu mức lương hưu tối thiểu thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Đây là mức lương đảm bảo mức sống tối thiểu.

Tiếp thu những góp ý của đại diện công đoàn các DN, ông Trần Dũng Hà – Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, mục tiêu cơ bản của BHXH là giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động, để họ có thu nhập ổn định hàng tháng. Thành phố đã có văn bản tham gia góp ý Luật BHXH gửi các đơn vị liên quan, BHXH TPHCM sẽ tiếp tục đưa các kiến nghị của DN khi tham gia góp ý luật.

Trước việc nhiều người muốn rút BHXH một lần, ông Hà cho rằng, ai đủ điều kiện hưởng BHXH một lần mà có nhu cầu rút thì cơ quan BHXH đều giải quyết. “Thế nhưng, ở góc độ người làm công tác BHXH nhiều năm tôi cho rằng, người lao động cần cân nhắc, không rút BHXH một lần để tuổi già được đảm bảo an sinh xã hội” - ông Hà nói.

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, nơi có hơn 3.000 công nhân cho rằng, trong khi lương tối thiểu là 4,680 triệu đồng/tháng thì lương hưu nhận về sau thời gian 20 năm làm việc, cống hiến chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng. “Nên chăng cần có quy định về lương tối thiểu cho lương hưu” - ông Hồng đề xuất.

THEO THANH GIANG (BÁO ĐẠI ĐOÀN KÉT)