Theo Baochinhphu,vn, trước đó, ngày 14-12-2021, tại Hàn Quốc, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội của Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc Lợi Xã hội Hàn Quốc đã ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa hai bên. Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này.
Việc ký hiệp định về bảo hiểm xã hội nhằm tránh việc người lao động đóng 2 lần bảo hiểm xã hội và thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau.
Cụ thể, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc (cộng dồn).
Thời gian này cũng là căn cứ để Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc xem xét hưởng chế độ lương hưu cho người lao động. Công thức tính được quy định theo pháp luật của mỗi quốc gia.
Liên quan đến những hoạt động về xuất khẩu lao động sang làm việc ở Hàn Quốc, ngày 23-4 vừa qua, trong buổi gặp gỡ, tư vấn về kiến thức pháp luật cho lao động Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại khu vực Uijeongbu (Hàn Quốc) và vùng phụ cận, đội ngũ cán bộ phía Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Uijeongbu đã phổ biến kiến thức liên quan đến công việc, điều kiện sinh sống, tài chính ngân hàng cho lao động Việt Nam đang theo Chương trình EPS.
Theo đó, đơn vị này cho biết, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng trong những vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động như tiền lương, điều kiện ăn ở, pháp luật.
Thông tin tại buổi tư vấn, Văn phòng quản lý Lao động theo Chương trình cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (chương trình EPS) và Ban Quản lý lao động Việt Nam cho biết, luôn ưu tiên tổ chức nhiều hoạt động để quản lý, hỗ trợ người lao động trong thời gian làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc; đảm bảo người lao động sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc theo đúng hợp đồng; theo dõi tình hình về điều kiện, môi trường làm việc, đời sống, sinh hoạt và nguyện vọng người lao động.
Đặc biệt là người lao động đã hết hạn hợp đồng, đang cư trú bất hợp pháp, đồng thời hướng dẫn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời các tình huống khẩn cấp khác.
Thời gian tới, Văn phòng EPS dự kiến triển khai khoảng 15 buổi tư vấn pháp luật cho người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc với nhiều hình thức như gặp mặt, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao.
Ngoài ra, Việt Nam đang có những thuận lợi cho việc đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Chẳng hạn trong năm 2023, Hàn Quốc có kế hoạch tuyển chọn khoảng 110.000 lao động nước ngoài sang làm việc, chủ yếu là lao động trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Đồng thời, cơ quan bên Hàn Quốc cũng đã có những cải tiến chương trình EPS như sửa đổi một số quy định để hình thành nguồn nhân lực nước ngoài lành nghề; vận dụng đa phương thức sử dụng nhân lực; hỗ trợ cư trú; tạo điều kiện cho sự thích ứng nhanh với môi trường sống.
Tính từ đầu năm đến nay, có khoảng 3.600 lao động theo chương trình EPS (visa E9) nhập cảnh Hàn Quốc. Trong năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động theo chương trình EPS sang làm việc tại Hàn Quốc.